Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) – tại lễ tổng kết ngành thép chiều nay (5/1), tại Hà Nội.
Ông Sưa cho biết, năm 2016 tổng các loại sản phẩm thép mà các doanh nghiệp là thành viên của VSA sản xuất đạt 17,5 triệu tấn, tăng 16,8% so với năm 2015. Trong đó, tiêu thụ đạt hơn 15,3 triệu tấn, tăng 23,7% so với năm 2015.
Ông Sưa cũng cho hay, điểm nổi bật trong năm 2016 này là tốc độ tăng trưởng thép xây dựng, mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn (gần 50%) trong tất cả các loại sản phẩm thép của nước ta, đạt mức cao so với các năm trước, đạt hơn 8,5 triệu tấn, tăng 18,3% về sản xuất và đạt hơn 8,4 triệu tấn, tăng 20,6% về bán hàng.
Các mặt hàng thép cuộn cán nguội, ống thép hàn và tôn mạ các loại cũng đạt tăng trưởng cao hơn 20%.
Về tình hình nhập khẩu, do ngành thép Việt Nam phát triển chưa đồng bộ giữa các khâu, đặc biệt là thép cuộn cán nóng (HRC) và các loại thép hợp kim trong nước chưa sản xuất được nên hàng năm vẫn phải nhập khẩu một số lượng rất lớn nguyên liệu và bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất.
Nhập khẩu của ngành thép trong năm 2016 tăng cao so với năm 2015, đặc biệt đáng chú ý là đối với các mặt hàng mà chúng ta còn dư khả năng sản xuất như: Phôi thép nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn, chiếm 12,6% thị phần phôi cả nước; Tôn mạ và sơn phủ màu đạt hơn 1,8 triệu tấn, tăng 30,7% so với năm 2015 và chiếm tới trên 50% thị phần nội địa; Thép hợp kim nhập khẩu hơn 8,1 triệu tấn; trong đó có khoảng 1,9 triệu tấn thép dài có thể đã được sử dụng như thép xây dựng thông thường.
Mặc dù năm 2016 các sản phẩm thép xuất khẩu gặp nhiều áp lực về các vụ phòng vệ thương mại từ các nước, nhưng ngành Thép Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác mở rộng thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu các loại sản phẩm thép. Theo đó, sản lượng xuất khẩu của ngành thép trong năm 2016 vẫn tăng 18,1% so với năm 2015. Sản phẩm thép nước ta chủ yếu được xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN và Hoa Kỳ. Những mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thép tấm lá đen, tôn mạ và sơn phủ màu, ống thép hàn… vẫn duy trì như năm trước.
Tổng kim ngạch nhập khẩu/xuất khẩu của ngành thép năm 2016 là 9,1/2,4 tỷ USD. Như vậy, ngành thép đang phải nhập siêu rất lớn để phục vụ cho nhu cầu sản xuất.
Ông Sưa cũng cho biết, trong năm qua, VSA đã tích cực tham gia góp ý kiến về Dự thảo Thông tư Quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp Thép của Bộ Công Thương; kiến nghị về Nghị định 38/2015/NĐ-CP và Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu thép phế về phục vụ sản xuất thép…
VSA đã cùng các đơn vị thành viên đề nghị Chính phủ khởi xướng điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước với phôi thép và thép dài, tôn mạ màu; đối với tôn mạ kẽm và tôn lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc…
Năm 2017, VSA dự báo, ngành công nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng sẽ không cao như năm 2016. Dự báo toàn ngành năm 2017 sẽ tăng trưởng 12% so với năm 2016.
Để hỗ trợ ngành phát triển, theo ông Sưa, năm 2017, ngoài việc tiếp tục tham gia góp ý, phản biện chính sách cho ngành thép, phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, VSA cũng sẽ đẩy mạnh theo dõi diễn biến thị trường nguyên liệu và bán thành phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước như: quặng sắt, thép phế, phôi thép, thép lá cuộn cán nóng… để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp. Đồng thời, tham gia tích cực với Tổ thị trường trong nước, phản ánh đầy đủ và kịp thời tình hình ngành thép cũng như các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp thép trong nước sản xuất kinh doanh bền vững.