Hotline:  0913.396.949  (Mr.Phương)

Tổng thống Trump ký lệnh đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu

Ngoại trừ Canada và Mexico, nhôm và thép nhập khẩu từ các quốc gia vào Mỹ sẽ bị đánh thuế lần lượt 10% và 25%, theo sắc lệnh vừa được tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngày 08.03 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 23.03 tới.

Theo tuyên bố chính thức từ Nhà trắng, ngày 08.03.2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh đánh thuế mạnh đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu – một động thái nhằm bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất nội địa.

Loại trừ Canada và Mexico, nhôm nhập khẩu từ các quốc gia vào Mỹ sẽ bị đánh thuế 10% và thép 25%. Mức thuế này được tính toán và đối xử như một loại thuế nhập khẩu. Trước đây, Mỹ không áp dụng loại  thuế này.

Mức thuế ông Trump đưa ra thậm chí cao hơn mức mà Bộ thương mại Mỹ khuyến nghị, lần lượt 24% cho thép và 7,7% cho nhôm.

Hiện tại Mỹ không có thuế nhập khẩu cho các sản phẩm, tuy nhiên nhiều mặt hàng nhập khẩu vào nước này phải chịu các mức phí, thuế phạt và các hàng rào kỹ thuật khác. Thuế chống bán phá giá thường xuyên được sử dụng cho các loại thủy sản Việt Nam là một trong những ví dụ của các mức thuế phạt mà Bộ thương mại Mỹ áp dụng.

Canada và Mexico được loại trừ khỏi sắc lệnh với lý do có những cam kết chung hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề an ninh quốc gia. Các quốc gia khác có 10 ngày kể từ khi sắc lệnh được ban hành (08.03.2018) để đề nghị với Mỹ cho vào danh sách loại trừ. Năm ngày tiếp theo, tức ngày 23.03.2018, sắc lệnh sẽ chính thức có hiệu lực.

Áp mức thuế 25% với thép nhập khẩu và 10% với nhôm đồng nghĩa với việc toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ phải chịu mức thuế thấp nhất 25% và 10%, chưa tính các mức thuế và phí khác. Ví dụ một doanh nhiệp đang phải chịu mức thuế chống bán phá giá 8% với sản phẩm thép vào Mỹ, sau khi đạo luật này có hiệu lực, mức thuế doanh nghiệp đó phải chịu sẽ ở mức 33% (cộng thêm 25% thuế suất mới).

Tổng thống Mỹ ký lệnh đánh thuế nhôm và thép nhập khẩu

Toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ phải chịu mức thuế thấp nhất 25% và 10%

Trao đổi với Forbes Việt Nam, đại diện ban Pháp chế Tập đoàn Hòa Phát, doanh nghiệp có thị phần thép lớn nhất Việt Nam, cho biết, từ trước đến nay công ty chưa chịu mức thuế nào khi nhập khẩu vào Mỹ. Do vậy, đến thời hạn hiệu lực của phán quyết nói trên, mức thuế Hòa Phát sẽ chịu là 25%. Tuy nhiên, tỉ lệ sản lượng xuất khẩu vào Mỹ của doanh nghiệp này đang rất thấp, chưa đến 1%, nên trong ngắn hạn, quyết định của tổng thống Mỹ chưa ảnh hưởng đến Hòa Phát.

Trung Quốc hiện đang là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 49% tổng sản lượng thép toàn cầu. Mỹ là một trong những quốc gia có sản lượng thép lớn, chiếm khoảng 5% và là nhà nhập khẩu thép lớn nhất. Năm 2017 nước này nhập khẩu khoảng 29 tỉ đô la Mỹ các loại thép.

Canada và Mexico, hai quốc gia được loại trừ trong sắc lệnh này, nằm trong tốp 3 quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất sang Mỹ, đạt lần lượt 5,53 tỉ và 2,97 tỉ đô la Mỹ. Trung Quốc xuất khẩu thép sang Mỹ với kim ngạch ở vào khoảng 2 tỉ đô la Mỹ.

Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu hơn 523 nghìn tấn thép sang Mỹ, chiếm 11% kim ngạch, giảm sâu 43,8% so với năm 2016. 

Việc ký sắc lệnh của ông Trump dấy lên lo ngại sẽ có một cuộc chiến tranh thương mại khi các quốc gia bắt đầu “trả đũa” bằng việc ban hành các sắc lệnh thuế trừng phạt các quốc gia khác.

Nguồn tin: Forbes Việt Nam
Nguồn ảnh: dw.com